top of page

Burns & Novick - Trung Lập hay Báng Súng Thụi Ngay Ngực?

Updated: Feb 21, 2021

Nguyên tác "Burns and Novick on Vietnam: A Neutral Film, or a Rifle Butt to the Heart?" Bài viết của George J. Veith 06/10/2017

https://lawliberty.org/burns-and-novick-on-vietnam-a-neutral-film-or-a-rifle-butt-to-the-heart/


Khi nói đến Chiến Tranh Việt Nam, chúng ta phải đối mặt với tình trạng gần giống như với vật lý: không thực sự có "lý thuyết chung vĩ đại" nào giữa các học giả hoặc công chúng. Do sự bất đồng vô cùng phức tạp ấy nên không một ai có thể phán định một cách chắc nịch về cuộc chiến VN.


Một người có thể đã biết một loạt các dữ kiện phức tạp về cuộc chiến, hoặc đã hết sức tin tưởng vào một loạt các "sự thật" lịch sử, không có nghĩa người ấy đã biết đến nơi đến chốn. Có lẽ bản chất phạm vi và tầm mức của Chiến Tranh Việt Nam không cho phép những lời giải thích dễ dàng. Trong cuộc chiến này, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc, ý thức hệ, và đấu tranh nội bộ, tất cả đan xen chòng chéo, tạo thành một nút thắt Gordian rối chặt (1).


Tồi tệ hơn, một khi ai đó đã nắm được một số kiến thức đáng kể, họ quay ra coi thường những quan điểm khác, họ không thèm đếm xỉa đến, dù chỉ một chút xíu thôi cũng không. Sự chia rẽ từ lâu ấy đã làm cứng nhắc mọi quan điểm, ai cũng cho mình là "chính thống giáo", còn kẻ khác là "dị giáo".


Bộ phim tài liệu "The Vietnam War" năm 2017 của Ken Burns và Lynn Novick hy vọng sẽ làm nhịp cầu nối liền những chia rẽ chính trị và khơi gợi sự chữa lành giữa các phe phái. Theo Burns, bộ phim tìm cách giữ vai trò trung lập, vai trò của một trọng tài, coi việc đứng ở vị trí trung gian là cách tiếp cận tốt nhất.


Chắc hẳn đa số người xem - đặc biệt những người không có kiến thức chuyên môn về chiến tranh, hoặc những người không sống qua thời đó - sẽ xem loạt phim này là tuyệt diệu. Tuy nhiên với riêng tôi, tôi nghi ngờ rằng những người có lập trường chính trị vững chắc đã không hài lòng cuốn phim của Burns, cũng như dư luận phản đối chương trình truyền hình cũng của PBS: "Vietnam: A Television History" năm 1983 (2).


Cả cánh tả và cánh hữu đều muốn tìm kiếm cách biện bạch thay vì buộc phải chấp nhận “sự thật phũ phàng.” Xem qua hàng trăm bài viết và bình luận về bộ phim, tôi thấy sự nghi ngờ của mình được xác nhận. Những bài phê bình sự "lập lờ" của phim làm tôi nhớ đến câu trong sách Khải Huyền: : "Because you are lukewarm - neither hot nor cold - I am about to spit you out of my mouth." ("Bởi vì ngươi nguội ngắt - chẳng nóng cũng chẳng lạnh - ta sẽ nhổ ngươi ra khỏi miệng ta.")


Khi Burns và Novick tìm kiếm sự "trung dung", chúng ta, những người xem phim, cũng nên làm "trọng tài" cho công việc của họ, thành quả làm việc suốt 10 năm. Theo quan điểm của tôi, cần khen ngợi các nhà làm phim này vì họ đã tạo được một bộ phim đáng nể, một bộ phim gói trọn hết chiều dài cả cuộc chiến. Quan trọng nhất, họ đã tìm kiếm nhiều góc nhìn, từ những thanh niên Mỹ đáp lời kêu gọi của đất nước, đến những thanh niên chống quân dịch, đến các cuộc phỏng vấn sâu sắc với người Việt Nam từ cả hai phía của cuộc xung đột.


Thế nhưng, dù dài tới 18 tiếng, theo nhiều cách, phim chỉ là một sự dài dòng thừa thãi, lặp lại những chuyện cũ rích và đã rành rành ra rồi. Chiến tranh không bao giờ chỉ có đen và trắng, mà là những mảng xám phản ánh nhiều biến thể của sự thật.


Phim "The Vietnam War" chủ yếu tập trung vào những trải nghiệm của Hoa Kỳ, miêu tả cách Hoa Kỳ tham chiến, ảnh hưởng của nó đối với quân nhân Mỹ và gia đình đau khổ của họ, cũng như đối với xã hội và chính phủ Hoa Kỳ.


Bộ phim cũng đại diện cho những người phản đối chiến tranh, và trong khi nó tỏ vẻ không thích các cuộc biểu tình, người ta vẫn cảm nhận được một cảm giác phản đối chiến tranh dù không rõ ràng nhưng bàng bạc khắp phim. Trong nhiều clip, người ta thấy những người biểu tình vẫy cờ Việt Cộng, nhưng người bình luận không hề đá động gì tới điều quá sức vô lý này.


Hầu hết các cựu chiến binh Hoa Kỳ xuất hiện trong phim, có lẽ vì sự tham gia của họ thể hiện một phần quan trọng của cuộc chiến, dường như chỉ để có được "người thật, việc thật" cho nhóm phản chiến. Hiếm khi ta được thấy những cựu chiến binh Mỹ tự hào về sự phục vụ của họ và không tin rằng cuộc chiến là một sai lầm (3).


Phim tỏ ra gượng ép khi trình bày lâu lắc về một người lính Thủy Quân Lục Chiến để rồi cái kết là việc anh ta gia nhập hội Cựu Chiến Binh Chống Chiến Tranh VN. Một ví dụ khác, mặc dù rất chính xác khi nêu bật các chiến thuật thiếu sót của Mỹ, chẳng hạn như chiếm một ngọn đồi với một giá đắt chỉ để rút lui ngay sau đó, nhưng phim không cho thấy vẫn có nhiều trận đánh thành công đã tiêu diệt được địch quân. Phim nhấn mạnh những điều tiêu cực, chủ yếu cung cấp những luận điểm bất thành văn rằng, cuộc chiến là một sai lầm đắt giá.


Để hỗ trợ cho lời kể chuyện đầy hàm ý, các cuốn băng của Tòa Bạch Ốc từ thời Johnson và Nixon được lọc lựa kỹ lưỡng. Trong nhiều đoạn phim, cả hai tổng thống đều được chiếu là đã hoạch định các chính sách giúp đỡ miền Nam Việt Nam, nhưng đôi khi chính hai ông cũng tỏ ra nghi ngại về những chính sách ấy, và phim chỉ "chọn" chiếu sự phân vân, nghi ngại, điều đó nói gì về động cơ của các nhà làm phim?


Tôi đã có dịp hỏi thẳng ông Henry Kissinger về lời nhận xét được thu âm của ông ấy: "No one will care about Vietnam in a year." ("Trong vòng một năm, sẽ chẳng ai còn quan tâm đến Việt Nam nữa.") Ông Kissinger trả lời, các viên chức và nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cũng là con người, cũng có khi nghi ngại và mệt mỏi như bất kỳ ai, và do đó, khó tránh khỏi việc bày tỏ thất vọng trước một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, khi chọn riêng những lời chua chát của ông Kissinger hay ông Nixon thay vì những lời khác của họ, phim làm như đã lột tả được bản chất thực sự của hai vị ấy!


Một điều đáng khen là bộ phim đã được dịch sang tiếng Việt và được phép chiếu online tại Việt Nam. Những người cộng sản trong phim trả lời một cách cẩn trọng, đôi khi lại sẵn sàng (nhưng vẫn miễn cưỡng) thừa nhận những sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, chỉ có một nhà báo trẻ tên Huy Đức đã dám bày tỏ một cách thẳng thắn hơn. Hai cuốn sách của ông Đức chỉ trích nhà nước Việt Nam, vậy mà ông không bị bắt bớ, nhưng chúng ta hãy chờ xem liệu điều đó có xảy ra sau bộ phim này hay không.


Cho tới nay, phản ứng của Hà Nội vẫn là một mực im lìm, chỉ có bộ ngoại giao tuyên bố nhạt nhẽo rằng họ hy vọng các nhà làm phim hiểu rằng chiến tranh là một “cuộc cách mạng chính nghĩa, huy động được toàn dân, được bạn bè và nhân dân toàn thế giới hết lòng ủng hộ.”


Khuyết điểm trầm trọng nhất của bộ phim là cái nhìn méo mó về những người theo chủ nghĩa Quốc Gia, hay còn gọi là người Miền Nam Việt Nam, những người gần như liên tục bị miêu tả là "tham nhũng, độc tài và hèn nhát." Những từ đó dường như được phim dùng làm "từ khóa" đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa, tạo cảm giác đó là một đất nước không đáng để chiến đấu và đổ máu bảo vệ.


Miền Nam Việt Nam chắc chắn đã từng có những điều đó, nhưng quốc gia cộng hòa non trẻ ấy cũng tạo được nhiều thành tựu tích cực nhưng chưa từng được nhắc đến.
Chính phủ Miền Nam cũng có phần độc tài và bị ảnh hưởng tham nhũng, nhưng đó vẫn là một đất nước tương đối tự do và đang trong nỗ lực đạt đến một nền dân chủ thực sự trong khi phải chiến đấu với kẻ thù hung hiểm sẵn sàng thi hành những thủ đoạn khủng bố để đạt được mục tiêu.

Phim còn tỏ ra khôn khéo trong những thủ pháp cắt ráp ranh ma: dùng chính những người Miền Nam chỉ trích chính phủ Miền Nam. Tuy nhiên, những phản đối và biểu tình của giới báo chí không là cuộc đảo chính, vì cho tới ngày nay, Miền Nam vẫn có nhiều phe phái có lập trường khác nhau.


Nếu như phim thực sự muốn giữ vị trí trung lập, tại sao không đưa ra những tiếng nói khác, về công cuộc Cải Cách Điền Địa của chính phủ Miền Nam chẳng hạn? hay tiếng nói của hàng ngàn cán binh Việt Cộng đã chạy về phía Quốc Gia qua chương trình Chiêu Hồi?

Ví dụ, chúng ta đều biết rằng Tổng Bí Thư ĐCS Lê Duẩn đã phát động cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 vì ông ta tin rằng quân đội Miền Nam sẽ nhanh chóng sụp đổ, và nhân dân Miền Nam sẽ vùng lên lật đổ chính quyền. Thế nhưng, qua nhiều cuộc phỏng vấn với các chiến sĩ và cán bộ cộng sản đã chiến đấu trong trận đánh, họ thừa nhận rằng điều này đã không xảy ra.


Trong phim, chỉ ở phần cuối, nhà bình luận mới thừa nhận rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu tốt, và người dân không nổi lên chống đối, nhưng lại bỏ nhỏ rằng, nếu có chống đối thì họ cũng "chỉ núp trong nhà." Cái cách nói thòng kiểu đó, như lời nhận xét của con gái một vị tướng Miền Nam, "like a rifle butt to the heart." ("như cú báng súng thụi ngay ngực.")


Cuối cùng, tôi tin rằng bộ phim quả là một nỗ lực đáng nể để kể một câu chuyện cực kỳ phức tạp. Nhưng "rằng hay thì thật là hay..." bởi, nó vẫn nhay đi nhay lại những định kiến cũ: Người Mỹ như những kẻ lầm đường đã tạo ra nhiều sai lầm từ các phán đoán tồi tệ và sự lừa dối của chính phủ; Những người cộng sản là những người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng si chỉ vì muốn thống nhất đất nước; Còn người Miền Nam là những kẻ bất tài, tham nhũng không đáng được hưởng sự hy sinh của những người lính "GI chúng ta."


Bộ phim, một lần nữa, cho thấy câu ngạn ngữ này quả nói không sai:

"In war, truth is the first casualty."

("Trong chiến tranh, , tổn thất đầu tiên chính là Sự Thật.")


***

Tác giả: George J. Veith (2017)

Dịch giả: Trịnh Bình An (2020)


Ghi chú của dịch giả:


(1) Gordian Knot - Nút Thắt Gordian: Một tiên tri dự đoán rằng nếu người nào có thể tháo gỡ được Nút Thắt Gordian người ấy sẽ thống trị toàn bộ châu Á. Nhiều người đã thử nhưng không thành công. Tới lượt Alexander Đại Đế, ông cũng không tháo được nhưng lại dùng kiếm chặt đứt nút thắt.


(2) Năm 1985, James Banerian viết cuốn sách có tựa: "Losers Are Pirates: A Close Look at PBS Series "Vietnam: A Television History" ("Thua Là Giặc: Xem xét bộ phim truyền hình của PBS "Vietnam: A Television History"). Sách vạch ra những thành kiến được xếp đặt có hệ thống trong phim để chứng minh phim là một sản phẩm méo mó, không đáng tin về lịch sử chiến tranh.


(3) Có khá nhiều hồi ký chiến tranh của các cựu sĩ quan, cựu chiến binh Hoa Kỳ thể hiện sự đồng cảm với cuộc chiến đấu của Nam Việt Nam. Nhiều người tỏ sự hối tiếc vì buộc phải hồi hương, không được ở lại chiến đấu thêm nữa. Cũng có người nhận ra đó là những ngày tháng xứng đáng trong đời họ, như người lính Tim Rezac đã viết: "Tôi vô cùng biết ơn những ngày tháng chiến đấu tại Việt Nam. Những khoảnh khắc tâm linh nhất, bình an nhất, hướng thượng nhất trong đời tôi là lúc tôi ngồi trên những bờ ruộng Việt Nam."

bottom of page