top of page

CODE NAME BRIGHT LIGHT

The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts During the Vietnam War

CN1.png

Trong các chủ đề về Chiến Tranh Việt Nam, chủ đề gây đau đớn và tranh cãi nhiều nhất cho người Mỹ là vấn đề POW / MIA (Prisoner of War / Missing in Action). 

"Mật Mã Ánh Sáng: Chuyện Chưa Kể Về Những Nỗ Lực Giải Cứu Tù Binh Trong Chiến Tranh Việt Nam" kể lại những cố gắng giải cứu đồng đội giữa những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm tại Lào, Campuchia & Việt Nam, đó là những câu chuyện bi thảm nhưng đầy tình người.

 

Bắt đầu từ các nhóm SAR - Search And Rescue (Tìm Kiếm & Cứu Nạn) và các nhóm  SOG - Studies And Observations (Nghiên Cứu & Quan Sát ) hợp lại năm 1966 để thành JPRC - Joint Personnel Recovery Center  (Trung Tâm Giải Cứu Nhân Viên Hỗn Hợp) dấu dưới vỏ bọc một cơ quan an ninh quốc gia, và thường được gọi với cái tên bí mật là "Bright Light."

Thế nhưng, những hành động dũng cảm - thậm chí liều lĩnh - đã không đem lại "ánh sáng" cho tất cả các tù binh: có khoảng 500 người lính VNCH được giải thoát, 110 thi thể lính Mỹ được đưa về, nhưng đau đớn thay, không một chiến binh Hoa Kỳ nào được cứu sống!

 

Vậy lý do gì khiến cho các nỗ lực của JPRC suốt 6 năm, với hơn 125 cuộc giải cứu, lại thất bại?

 

Có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, những "trại giam" thường xuyên di chuyển nên rất khó truy ra dấu vết. Thứ hai, do địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt. Sau cùng là sự miễn cưỡng của các cấp chỉ huy Mỹ khi cho rằng phải chịu rủi ro quá cao mà kết quả không có gì chắc chắn. Do quá nhiều trở ngại trong khi các hoạt động giải cứu lại đòi hỏi phải hết sức nhanh chóng và chính xác, vì thế, kết quả thật thương tâm… 

 

Sách cũng mô tả chi tiết về hoàn cảnh những tù binh bị bắt ra sao, bị giam cầm thế nào. Có nhiều người bị chết trong khi bị bắt giữ, có người tìm cách vượt ngục và chịu đựng cuộc đuổi giết dã man của quân cộng sản.  

 

Nhưng điều bi thảm nhất là, vì phải giữ bí mật tuyệt đối nên điệp vụ Bright Light đã gây nên nỗi đau đớn khôn cùng cho gia đình các chiến sĩ bị cầm tù hay mất tích. Họ cho rằng chẳng ai thèm ngó ngàng gì tới những người thân yêu của họ đã lên đường chiến đấu vì Tổ Quốc. Từ đó, họ lớn tiếng phản đối sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Còn với nhiều sĩ quan Hoa Kỳ từng tham gia điệp vụ, mặc cảm đã không giải cứu được đồng đội trở thành nỗi thống hận đầy xót xa, cay đắng, thế nhưng vẫn phải cố kìm nén trong im lặng…

 

***

MẬT MÃ ÁNH SÁNG

Những Điều Chưa Từng Biết Về Nỗ Lực Giải Cứu Tù Binh Trong Chiến Tranh Việt Nam

Cuộc giải cứu Phú Yên: Bằng chứng tội ác của Việt Cộng

(Trích Đoạn)

Cuối tháng 11/1966, một lực lượng thuộc Quân Đoàn 9 VNCH tấn công một trại tù của Việt Cộng tại tỉnh Vĩnh Bình. Trong số tù nhân có cả một nữ tu Miền Nam 64 tuổi là sœur Rosa, bà dạy các em mẫu giáo tại một trường địa phương. Cộng quân đã bắt giam vị nữ tu ấy từ năm ngoái và buộc cho bà tội "gián điệp", một thủ đoạn khủng bố bọn an ninh cộng sản thường dùng để trấn áp người dân trong vùng.

 

Tại Miền Bắc Việt Nam, Bộ Công An Nhân Dân coi những người theo đạo Công Giáo là mối hiểm nguy nhất của chế độ, bởi vì người Công Giáo là những người chống Cộng mạnh mẽ nhất trong dân chúng. Vì thế, đám Việt Cộng nằm vùng tại Miền Nam cũng coi sœur Rosa là cái gai cần nhổ bỏ vì chúng sợ bà sẽ ngăn ảnh hưởng của chúng tới những người dân quê. Sœur Rosa đã can trường chịu đựng sự hành hạ dã man của bọn chúng.

 

"Đức Tin", vị nữ tu tâm sự, "chính là điều duy nhất giúp tôi sống sót."

***

Cái chết của một Tù Binh Chiến Tranh

(Trích Đoạn)

Một cuộc đánh thoát chớp nhoáng được thực hiện vào ngày 1 tháng Bảy 1969, một người Việt Nam tên Võ Ngọc Châu báo động cho một trạm gác VNCH tại tỉnh Quảng Tín. Anh đã thấy một người lính Mỹ bị thương bị Việt Cộng bắt giữ.

 

Ngay lấp tức, dù chưa nhận được lệnh trên, lực lượng đặc biệt Recon Company từ Vùng Hai Chiến Thuật và vài chiếc trực thăng từ US 101st Airbone xông thẳng tới nơi giam giữ. Châu hướng dẫn nhóm giải cứu tới khu trạm xá bí mật của Việt Cộng.

 

Bởi vì địa hình rừng núi hiểm trở, một người lính Cộng Hòa và một Hoa Kỳ được trực thăng thả xuống bằng dây thừng. Hai người tìm thấy người tù binh mất tích, anh Larry D. Aiken, nằm úp mặt trên đất bên ngoài lều. Larry bất tỉnh, đầu mang một vết thương mới nguyên.

 

Hai người lính khiêng bạn khoảng 300 thước tới bờ suối để đợi trực thăng. Larry được đưa về bệnh viện quân y. Anh chìm vào hôn mê và trút hơi thở cuối cùng ngày 25 tháng Bảy. Larry chết vì sọ bị nứt và não bị chấn thương bởi cú đánh chí mạng của kẻ thù.

***

POW-MIA.jpg

"Trong một giờ, tôi cầu nguyện": Cuộc vượt thoát của Jack Butcher

(Trích Đoạn)

Air Force First Lieutenant Jack M. Butcher đến Việt Nam cuối Tháng Hai 1971. Trong khi thi hành nhiệm vụ, máy bay của anh bị trúng đạn, còn anh bị thương và bị Việt Công bắt giữ.


"Ngày thứ tư là ngày thật tệ hại với tôi", Jack hồi tưởng, "Mình thực sự bị bắt tại Lào rồi. Dù trước đây đã được học lớp huấn luyện cách sinh tồn tại Clark Air Base tại Philippines, nhưng tôi chẳng khá gì nổi. Tôi chỉ còn biết quay về với niềm tin Thiên Chúa và cầu nguyện trong một tiếng đồng hồ. Tôi xin Chúa hãy đến với tôi và tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết. Sau đó, lòng tôi nhẹ nhõm hẳn. Tôi tin Chúa đã lắng nghe tiếng tôi cầu xin bởi vì ngày hôm sau tôi tìm được cách trốn thoát."

 

Jack nhận thấy sau bữa ăn trưa tất cả cán binh Việt Cộng đều đi nghỉ một lúc. Ngày thứ năm, anh chờ cho tên lính gác ngồi xuống một gốc cây và nhắm mắt. Lúc đầu, anh nghi ngờ đó là bẫy vì trong lều vẫn còn đôi bốt của anh và một can-tin đầy nước. Nhưng mặc kệ, phải liều một phen, Jack chộp đôi giầy và nước rồi chuồn ra cửa, luồn vào một đường hầm mà anh để ý thấy trước đó. Thế là anh lẻn ra được một quãng.

CN2.png

"Mình được tự do rồi!" Cứ chạy được một quãng là Jack dừng lại nghe ngóng. Anh nhắm mặt trời rồi đi về hướng Tây. Anh trèo qua một ngọn đồi và thấy bên dưới là một vùng trống xanh cỏ bên dưới, ở đó là một con đường mòn. Thế nhưng, ngay khi anh chuẩn bị leo xuống thì một nhóm đông lính VC xuất hiện. Họ dàn hàng và bắt đầu lục soát ngọn đồi. Jack dấu mình vào một bụi rậm. Bọn VC lùng sục hàng giờ nhưng không tìm ra. Cuối cùng, chúng bỏ đi. Jack chờ thêm một tiếng đồng hồ nữa. Khi thấy yên ắng, anh quyết định thử vận may nên leo xuống. Vừa khi tới được bên dưới, gần một tá quân VC đột nhiên xuất hiện, mũi súng AK-47 chĩa thẳng vào anh.

 

Jack bị bắt lại, nhưng vài tiếng đồng hồ tự do đã khiến tinh thần anh phấn chấn hẳn lên: "Bây giờ thì tôi đã biết ra những giới hạn của mình. Trước đây, tôi đã chuẩn bị tinh thần để làm sao đối diện với thử thách kinh hoàng này. Tôi hiểu rõ là tôi chưa hề vượt ra khỏi khu vực của chúng. Nhưng thế nào tôi cũng tìm cách khác để vượt thoát.

Jack bị đem lại về túp lều cũ. Những ngày sau đó, anh bị một cán bộ nói được tiếng Anh tra hỏi. Tên chỉ huy muốn biết những thông tin quân sự. Jack giả bộ không hiểu thứ tiếng Anh "ba rọi" của đối phương. Gã cán cộng cứ dai dẳng tra vấn, còn người lính Mỹ cũng kiên quyết không đầu hàng, Jack nhất định giữ đúng Lời Thề Quân Nhân của một người lính Hoa Kỳ. Quá bực tức, gã cán bộ dọa bắn, nhưng người lính Mỹ cương quyết không lùi bước.

"Khi gã cán bộ bước ra ngoài, một tên VC đứng đằng sau kê súng ngay vào đầu tôi, lên đạn. Tim tôi như muốn vỡ ra, hồn như muốn lìa khỏi xác. Nhưng tôi thầm nhủ: "To hell with them, I'm not breaking the Code!" (Con bà chúng nó, tao sẽ không bao giờ phản bội Lời Thề). Tôi ngồi, và chờ, nhưng hắn không nổ súng. Vài phút sau, gã cán bộ lại quay vào. Hắn nói Bắc Việt thật không hiểu là bằng cách nào Nixon có thể tẩy não cái đám lính tráng Mỹ." Cuối cùng, hết cách, chúng đành phải áp giải Jack về Bắc Việt.

Ngày 9 tháng Năm, sau năm ngày trên đường đi, Jack để ý thấy chỉ có một tên VC áp giải anh, và cũng không thấy bóng người chung quanh. Jack nói anh cần đi cầu. Anh đi vào đám cây vừa ngó chừng gã lính, hắn đang lo hút thuốc. Jack càng đi ra xa hơn. Khi gã VC nhìn lên, hắn thấy ngay tù binh của hắn đang tính làm gì. Không chần chờ, Jack ra sức chạy thật nhanh. Gã VC không sao theo kịp người lính Mỹ.

 

Jack Butcher đã vượt thoát thành công!

 

***

bottom of page