top of page

BLACK APRIL

The Fall of South Vietnam 1973-75

BA.png

"Tháng Tư Đen" đã sưu tầm rất nhiều tài liệu Mỹ bản gốc, những cuộc phỏng vấn chưa bao giờ được công bố của một số nhân vật chính thuộc phía VNCH, và rất nhiều các điện tín và văn kiện tối mật của phe CS Bắc Việt để viết thành một cuốn sử trung thực nhất về một trong những sự thảm bại lớn nhất và chấn động nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà tới bây giờ vẫn còn bị dư luận Mỹ hiểu sai.

"Tháng Tư Đen" nghiên cứu sâu xa về hai năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, làm sáng tỏ những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Nam Việt Nam chỉ trong vòng 55 ngày. Sách trình bày những nguyên nhân chính, từ các tính toán độc ác của CS Bắc Việt cố tình phá hoại Hiệp Định Paris ngay sau lúc ký kết, đến việc Mỹ lạnh lùng cắt bớt viện trợ cho Miền Nam, cho đến các quyết định quân sự và chính trị sai lầm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu…

"Tháng Tư Đen" đưa ra những bằng chứng đi ngược lại các luận điểm của các học giả và giới truyền thông Mỹ và quốc tế từng rêu rao rằng "Đồng minh Miền Nam của Mỹ là một bọn độc tài tham nhũng chỉ biết dựa vào hỏa lực của quân đội Mỹ".

"Tháng Tư Đen" kết luận:  

  • Đến năm 1973, mặc dù phải đối phó với các vấn đề nội bộ và kinh tế, Quân Đội Nam Việt Nam đã phát triển thành một lực lượng chiến đấu có khả năng đánh bại quân CS Bắc Việt. Nếu quân đội đó đã được chi viện đầy đủ và được Hoa Kỳ yểm trợ lâu dài sau thỏa ước ngưng bắn, thì kết cục của cuộc chiến có thể khác xa.

 

  • "Việt Nam Hóa" đã có tác dụng. Tuy nhiên, không có tướng lãnh Hoa Kỳ hay Nam Việt Nam nào tin rằng đất nước này có thể đứng vững nếu không có đầy đủ sự yểm trợ của Không Quân Mỹ. Lý do đơn giản là vì địa hình Việt Nam, chứ không phải vì sự thiếu ý chí của Nam Việt Nam.

 

  • Người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là "những kẻ bất tài vô dụng" như cái nhìn đầy thành kiến của phương Tây. Nhiều người trong số họ đã biểu lộ lòng can đảm lạ thường, thậm chí trong những tình huống tuyệt vọng như trong các trận đánh ở Tân Sơn Nhứt, Hố Nai và nhiều nơi khác nữa.

***


THÁNG TƯ ĐEN

 Những Ngày Tháng Cuối Cùng của Miền Nam Việt Nam 1973-1975

Chương :  VÀO CHUYỆN

(Trích Đoạn)

Quyển sách nầy trình bày những khía cạnh quân sự của cuộc bại trận của Nam Việt Nam, đồng thời trả lời năm câu hỏi quan trọng:

(1) Bắc Việt quyết định mở lại cuộc chiến lúc nào sau khi Hiệp Định Paris được ký kết?

(2) Làm thế nào họ có thể che đậy quyết định nầy và thành công trong việc mở cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột?

(3) Tại sao Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rút các đơn vị chính quy khỏi Cao Nguyên Trung Phần, để từ đó đưa đến sự tan rã và dẫn đến sự sụp đổ?

(4) Về mặt quân sự, điều gì đã xảy ra trên chiến trường khiến cho Nam Việt Nam sụp đổ chỉ trong 55 ngày?

(5) Có phải Quân Đội Nam Việt Nam quá thiếu khả năng như báo chí và những trí thức tháp ngà của Mỹ đã mô tả?

TTD1.png

Ngoài lý do mở rộng kiến thức lịch sử và thu thập các bài học cho những cuộc xung đột trong tương lai, còn một lý do cấp thiết thứ ba nữa để chúng ta phải tái thẩm định sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Đối với nhiều người Mỹ, sự sụp đổ chỉ trong 55 ngày đau thương của Nam Việt Nam–từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1975–đã xác nhận quan điểm cho rằng chiến tranh Việt Nam là một lỗi lầm khủng khiếp.

 

Nhiều người Mỹ đã tin rằng đồng minh Nam Việt Nam của họ tham nhũng; thành phần thượng lưu của Sài Gòn là những người áp bức, chống lại nguyện vọng của đại đa số người dân Việt Nam muốn thấy đất nước được thống nhất.

 

Tả phái Mỹ, từ các trường đại học đến các cơ quan truyền thông, cùng với những phần tử phản chiến ngoại quốc đã nuôi dưỡng niềm tin đó. Họ đã tô vẽ chính phủ Nam Việt Nam như một chế độ độc tài được dựng lên bởi một quân đội thiếu lương thiện, thiếu lãnh đạo, chỉ biết dựa vào viện trợ Mỹ, cố vấn Mỹ và sự yểm trợ của không lực Mỹ để ngăn chặn lực lượng Cộng Sản.

 

Hình ảnh của một quân đội Nam Việt Nam yếu kém có vẻ như đã được khẳng định vào cuối tháng 3 năm 1975, khi Đà Nẵng–thủ phủ của một khu quân sự được bảo vệ mạnh mẽ nhất của Nam Việt Nam–bị sụp đổ trong cảnh hỗn loạn, và cảnh những người lính hung hãn giành với những người dân yếu đuối để lên phi cơ được đưa lên màn ảnh truyền hình. 

Như tôi sẽ lý luận sau đây, sự miêu tả (của những người chống chiến tranh) về chính phủ và Quân đội Nam Việt Nam thật sai lầm.

 

Thí dụ, những hình ảnh nóng bỏng về sự sụp đổ của Đà Nẵng chỉ là những bức ảnh chụp vội vàng vào thời điểm đó. Hẳn nhiên, những hình ảnh đó thật tàn nhẫn, nhưng chúng không phản ảnh toàn diện những biến cố dẫn đến thời điểm bi thương đó. Sự hỗn loạn không phải là hậu quả của sự bất tài hay hèn nhát của quân đội Nam Việt Nam, khi sự suy sụp về kỷ luật chỉ xảy ra trong những ngày cuối cùng, trước khi Đà Nẵng bị địch chiếm. Ít người biết rằng Quân Lực VNCH vẫn kiên trì chiến đấu cho tới khi tin tức về cuộc triệt thoái vụng về của Vùng II đến tai họ.

 

Tin tức kinh hoàng nầy, kết hợp với các tin đồn mà nhiều người đã tin rằng một giải pháp bí mật nhằm chia cắt đất nước sắp sửa xảy ra–cộng thêm một triệu thường dân lo sợ, hốt hoảng đang tìm cách trốn thoát sự tàn bạo của CS–đã khiến nhiều binh sĩ và sĩ quan bỏ vị trí đóng quân để cứu gia đình của họ.

Dĩ nhiên, cuộc tấn công của Cộng Sản vẫn là lý do chính gây ra sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Tại sao Hà Nội thành công vào năm 1975 khi họ đã thất bại trong năm 1972? Ngoài hậu quả hiển nhiên của việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, sự vắng mặt của hỏa lực Hoa Kỳ và sự xâm nhập khổng lồ về nhân lực và quân dụng của địch, còn một lý do quan trọng nữa: Sự cải tiến đáng kể của quân đội Cộng Sản Bắc Việt (QĐCSBV) giữa các năm 1972 và 1975 đã giúp họ chiến thắng.

Ba yếu tố thiên nhiên cũng đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến: Thời tiết, cơ sở hạ tầng và địa lý. Việt Nam có hai mùa mưa, nắng rõ ràng. Yếu tố nầy quyết định nhịp độ chiến tranh. Vì Nam Việt Nam có ít đường sá, chiến thuật Cộng Sản dùng các đơn vị lớn chiếm giữ các đoạn đường trọng yếu như các ngọn đèo và nút giao thông quan trọng đã đóng vai trò then chốt trong việc đánh bại Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hồi còn phương tiện trực thăng vận của Hoa Kỳ, việc các con đường bị cắt chỉ là sự phiền toái nhỏ. Vào thời điểm 1975, với sự giới hạn trong việc tiếp tế nhiên liệu và sự thiếu thốn cơ phận thay thế cho trực thăng của Nam Việt Nam, đó là đòn chí tử.

Yếu tố quan trọng nhất là địa lý. Hình thể của Nam Việt Nam khiến cho việc phòng thủ chống quân xâm lược rất khó khăn. Nam Việt Nam là một xứ dài và hẹp, đặc biệt ở vùng trung và bắc của xứ nầy. Thực tế địa lý nầy có nghĩa là Quân Lực VNCH phải bảo vệ cạnh sườn phía Tây dài hơn 1.200 cây số. Hầu hết vùng nầy gồm núi đồi hiểm trở với dân cư thưa thớt, và rừng cây dày đặc. Địa thế hiểm trở nầy cung cấp điều kiện ẩn náu cho địch, giúp họ có thể tập trung một số quân lớn mà không bị phát giác.

Sau hết, mặc dù Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đã mắc phải sai lầm, sự thật đơn giản vẫn là cuộc xâm lăng bằng quân sự và chiếm đóng một quốc gia khác của Bắc Việt đã trực tiếp vi phạm lời cam kết long trọng trên giấy trắng mực đen của họ. Sự chọn lựa có chủ ý của Hà Nội trong việc hủy bỏ Hiệp Định Paris và thống nhất đất nước bằng vũ lực đã đẩy cả một thế hệ người Miền Nam vào cảnh lưu vong, và làm trầm trọng thêm vết thương xã hội tại Hoa Kỳ vì sự can dự lâu dài vào Việt Nam.

***

bottom of page