top of page

LEAVE NO MAN BEHIND

Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War

BB1.png

Garnet Bill Bell gia nhập quân ngũ năm 17 tuổi, rồi trở nên một Airborne-Ranger (Biệt Kích Dù) trực thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ông đã 4 lần tới Việt Nam. Ông thông thạo tiếng Việt, Thái và Lào. Sau chiến tranh, ông trở lại VN với chức vụ Chief of the U.S. Office cho cơ quan POW/MIA Affairs tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ 12 năm, ông giúp đưa về nước 359 hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ.

Với kiến thức sâu sắc về Cộng Sản, với tính bền bỉ không kém một người châu Á, cộng với sự uyển chuyển "biết mình, biết người" của một nhà thao lược, tất cả đã giúp Bill thực hiện xuất sắc một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tế nhị. Ông tận sức tìm kiếm "câu trả lời" cho những gia đình có con, anh, em, hay chồng đã mất tích trên chiến trường VN để họ vơi bớt nỗi đau khôn nguôi.

Và chính Bill cũng chịu chung nỗi đau chia lìa của hàng triệu người dân Việt Nam: Vợ và con trai ông đã tử nạn trên chuyến bay đầu tiên của chiến dịch Operation Babylift ngày 4 tháng Tư 1975.

Bill Bell là điển hình cho sự đấu tranh bền bỉ và khôn ngoan của một người Mỹ hơn 25 năm đối đầu với kẻ thù xảo quyệt và tàn nhẫn CSVN, ngoài mặt chúng rêu rao những lời hoa mỹ về "hàn gắn vết thương quá khứ" nhưng sau lưng xử dụng người chết để mặc cả lợi lộc chính trị và kinh tế.

***

Chương  MỞ ĐẦU

(Trích đoạn Lời Ngỏ của Jay Veith )

Trong một thời gian dài, nhiều người đã hỏi tôi tại sao lại tham gia vào vấn đề POW/MIA. Câu trả lời là tôi muốn giúp đỡ các gia đình có thân nhân mất tích, vào lúc ấy và tới bây giờ. Bất cứ ai, nếu dành dù chỉ một giờ trò chuyện với một gia đình sẽ không thể không trào dâng lòng mong muốn giúp đỡ họ.

 

Nỗi đau xé lòng của họ, sự bức bối vì không biết điều gì đã xảy ra với cha, anh, chồng, con, cảm giác bất lực vì không thể giải mã các bí ẩn, tất cả dồn thành một cảm giác bất lực đớn đau mà bất kỳ người nghe nào cũng muốn tìm cách an ủi. 

 

Tuy nhiên, sau khi tham gia nhiều cuộc họp và dành nhiều thì giờ nghiên cứu vấn đề, tôi mới thấy ra một điều khá tinh tế, nó làm tôi phẫn nộ về những gì đã xảy ra với nhiều gia đình Mỹ. Điều ấy là ý thức giữ vững cam kết quốc gia, ý thức tôn vinh sự hy sinh của những người đi trước.

Ý thức về danh dự quốc gia ấy được nhân cách hóa trong Garnett “Bill” Bell, một người - với tư cách là nhà điều tra POW / MIA xuất sắc của chính phủ Hoa Kỳ ở Đông Nam Á trong nhiều năm - đã kiên trì tìm câu trả lời cho số phận của hơn 2.500 người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Bill Bell là người cho thấy tại sao nhiệm vụ này lại quan trọng đến vậy, từ đó thúc đẩy tôi tiếp tục tìm kiếm câu trả lời. Đó là lý do tại sao chúng tôi viết cuốn sách này để giúp người dân Mỹ thực sự nắm bắt được diễn biến của vấn đề POW/MIA, và chỉ ra ai là thủ phạm thực sự: những kẻ cầm quyền vô cảm ở Hà Nội.

***

Chương  2:  CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN 101

(Trích đoạn Lời Kể của Bill Bell)

Qua nhiều lần trò chuyện với những cán binh cộng sản hồi chánh (tại Trung Tâm Chiêu Hồi Quốc Gia), tôi ngày càng hiểu ra các chiến thuật và tổ chức của Cộng Sản. 

 

Mặc dù nhiều người trong số những cán binh hồi chánh nói rằng lý do họ từ bỏ Bắc Việt là do thất vọng với chủ nghĩa Cộng Sản, tôi vẫn rất hoài nghi đó không phải là nguyên do thực sự. Theo tôi, một yếu tố chính thúc đẩy họ là sự chuyển đổi đột ngột từ chiến tranh du kích sang chiến thuật tấn công dẫn đến cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đẫm máu.

 

Hầu hết những cán binh cộng sản tại Trung Tâm Chiêu Hồi đều đồng ý rằng việc thay đổi chiến thuật được thực hiện quá đột ngột, dẫn đến việc hàng ngàn đồng bào của họ bị tàn sát không cần thiết. Thế nhưng mạng người thì có đáng gì nếu như họ không là đảng viên, vì học thuyết Cộng Sản Việt Nam vẫn coi người dân là nguồn nhân lực cứ việc đem ra xài để đánh giặc. Thậm chí việc bóc lột phụ nữ và trẻ em cũng được chấp nhận nếu cái chết của họ thúc đẩy các mục tiêu của Đảng. (1)

***

(1) Cách tàn sát dã man của cộng sản đã được nhà văn Trần Đức Thạch -cựu phân đội trưởng trinh sát - mô tả lại trong "Hố Chôn Người Ám Ảnh."

NOMAN.jpg

Chương  8:  MAI ĐẦY, MẢ RỖNG

(Trích đoạn Lời Kể của Bill Bell)

Mặc dù các quan chức Việt Nam tuyên bố rằng địa điểm này không bị xáo trộn trước khi khai quật, nhưng rồi suốt quá trình tìm kiếm, ngoại trừ một số mảnh vụn thuốc men, giấy báo, vẫn không tìm ra bất kỳ vật dụng cá nhân, mảnh xương hoặc vết tích nào có thể làm sáng tỏ số phận của đoàn phi công. Mặc dù đã đoán biết đám quan chức cộng sản thế nào cũng đã tới nơi máy bay bị rớt trước rồi nhưng tôi vẫn không ngờ họ có thể táo tợn đến thế.

 

Trước đó, tôi đã dự phòng ba điều: việc tìm kiếm sẽ khó khăn, sẽ bị quản thúc và sẽ tốn kém. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ hình dung ra việc chẳng có lấy nổi một bằng chứng cụ thể nào. Tôi cứ ngỡ các nhân viên an ninh tình báo cộng sản ít ra cũng để lại đủ chứng tích để xác định cái máy bay bị rơi, và chút dấu vết của một hay vài phi công. Tôi chẳng thể tưởng tượng nổi mọi bằng chứng lại bị dọn đi sạch bách trước khi chúng tôi đặt chân tới.

 

Sau kinh nghiệm đầy thất vọng ấy, tôi chỉ có thể kết luận rằng Cộng Sản đã nghĩ đơn giản là để giải quyết vấn đề binh sĩ mất tích chính phủ Mỹ sẽ sẵn sàng gửi nhân viên và thiết bị qua tuốt bờ kia trái đất và sẽ chi ra 120.665 đô la đào bới những nơi chốn chẳng có lấy một chứng tích có giá trị phân tích nào.

***

KHÔNG BỎ BẤT KỲ AI

Bill Bell Trong Nỗ Lực Tìm Kiếm Tù Binh Chiến Tranh & Nhân Viên Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam

Chương  9:  TRÊN ĐẤT VIỆT NAM

(Trích đoạn Lời Kể của Bill Bell)

BILL BELL.jpg

Dù cho người cán bộ đi cùng đoàn từ Hà Nội cứ lải nhải rằng-thì-là người dân vẫn còn phẫn nộ trước sự tàn phá của bom Mỹ trong chiến tranh, nhưng trong những lần dừng chân, chúng tôi chẳng hề thấy người dân tỏ vẻ căm thù gì cả, chỉ thấy họ ra dáng tò mò. Mọi người dường như rất quan tâm đến văn hóa Mỹ..

 

Tôi thường mang theo một vài cuốn băng cassette, và bất cứ nơi nào dừng chân ăn uống, điều đầu tiên tôi hỏi là họ có máy nghe nhạc không. Nếu họ nói có, tôi yêu cầu họ phát một đoạn, rồi khi ra đi, tôi "quên" luôn cuốn băng trong máy. Thật không may, rất ít người có được máy cassette, còn  những quán ăn nhỏ nơi tôi luồn lách được một cuốn băng thì rồi thể nào cũng bị "kiểm tra nghiêm" bởi "Đội Văn Hóa".   

Những người Việt Nam được chỉ thị làm việc với chúng tôi cũng chẳng khấm khá gì hơn, họ được trang bị hết sức sơ sài. Họ chẳng có dụng cụ đúng mức để làm việc trên những sườn núi dốc đứng, cũng chẳng đủ áo ấm cho cái lạnh miền Bắc. Sau khi thấy họ quá vất vả, tôi thấy mình phải ra tay thôi. Ngay cơ hội đầu tiên khi có dịp đi Hong Kong để phỏng vấn người tị nạn, tôi đã dùng tiền công tác phí hàng ngày để mua áo khoác, áo mưa, găng tay, mũ và giày cho tất cả nhân viên Việt Nam được giao cho các đội điều tra hiện trường.

 

Cử chỉ ấy đã cải thiện tình hình thấy rõ, các thành viên đội Việt Nam làm việc chăm chỉ hẳn lên. Tôi cũng đã vẽ kiểu và mua vài trăm chiếc áo pull có hàng chữ "Joint US-Vietnam Search Team" (Đội Tìm Kiếm Chung Mỹ-Việt) với hình đại bàng và rồng ở mặt sau và cờ Hoa Kỳ và Việt Nam ở mặt trước. Một vài người e ngại mặc áo có lá cờ Mỹ, nhưng vì áo cản bớt gió nên họ mặc bên dưới chiếc áo khác. Dần dà, hầu hết những chiếc áo được trao làm quà lưu niệm cho những người chúng tôi gặp trên đường. Sau nhiều tháng làm việc, những chiếc áo của Đội Tìm Kiếm Chung trở nên vật sưu tầm mà ai cũng muốn có một cái, ngay cả cán bộ ở Hà Nội, những người không tham gia vào nỗ lực này.

Mặc dù các cán bộ Việt Cộng cứ nhắc đi nhắc lại là người Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình điều tra, nhưng tôi vẫn kiên trì tìm cách tiếp cận những nguồn tin "chui", hy vọng có thêm được tin tức gì chăng. Ví dụ, khi ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Bắc Thái, vào buổi tối đầu tiên khi chúng tôi đến thị trấn, tôi đã dẫn đội Mỹ đi dạo quanh phố. Chưa đầy năm phút sau khi bước vào một quán phở ven đường, tôi bắt đầu được một cô bán hàng nói cho biết về hai người lính Không Quân mất tích nhóm phi công trên một chiếc máy bay cấp cứu ở tỉnh Nghệ An vào ngày 14 tháng Ba, 1966.

Ngay khi nghe vị trí và hoàn cảnh, tôi nhớ ra ngay trường hợp đặc biệt ấy. Nghệ An cách Thái Nguyên khoảng ba trăm km về phía đông nam, nhưng lúc ấy cô bán hàng đang sống gần bãi biển nơi hai người Mỹ bị lạc, sau này cô ấy mới chuyển về bắc Thái Nguyên. Khi các cán bộ cộng sản phát hiện ra việc tôi lấy thông tin từ một người mà họ không hẹn trước và chuẩn bị trước, mặt mũi họ tím ngắt cả lại. Ngày hôm sau, khi tôi quay lại quán phở, chẳng ai còn dám nói chuyện với tôi nữa.

***

Chương 9:  TRỞ VỀ BƯỚC ĐẦU

(Trích đoạn Lời Kể của Bill Bell)

Để làm vấn đề thêm khó hiểu, người trưởng đoàn Việt Nam tham gia cuộc điều tra chung nói với tôi dựa trên thông tin mà anh ta nhận được, khoảng năm 1988,  "Kẻ Trộm Mộ" đã cuỗm mất các lưu vật từ địa điểm chúng tôi đào xới  tháng 4 năm 1989. Đám ăn trộm Việt và Thượng đã lấy đi hài cốt của ba người lính Mỹ và đánh tiếng là muốn đổi lấy 5 chỉ vàng. Anh ta nói thòng là nghe đâu nếu đưa ra hài cốt thì sẽ được thưởng 5.000 đôla.

Vì những người cộng sản phụ trách chương trình đã biết lịch trình điều tra nên khi nghe chuyện các ngôi mộ được báo là bị đào trộm vào năm 1988, tôi nghi ngờ rằng báo cáo về “những kẻ trộm mộ” chỉ là một mưu đồ khác của cộng sản, không chỉ để lấy tiền của chính phủ Hoa Kỳ mà còn để che giấu thời điểm tử vong và cách thức hành quyết ba người Mỹ. Nói cách khác, bất kỳ thương tích nào được khám phá ra sau khi giảo nghiệm tử thi hoặc bất kỳ tổn thất nào của hài cốt thì đều sẽ được đổ lỗi cho “những kẻ trộm mộ”.

Tôi cũng nghi ngờ rằng Cộng Sản đang cố tình huấn luyện các nhân chứng để ngăn cản sự thật của  việc điều tra được tiết lộ. Họ có lý do để lo lắng...

 

Thứ nhất, họ không muốn chia phần với các chương trình của  nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) đang giúp đỡ người dân Việt Nam thời hậu chiến. Đây là một nguồn thu nhập rất béo bở cho chính phủ cộng sản. Họ không chỉ bòn rút tiền viện trợ có được từ sự quyên góp ở Mỹ để để bỏ túi riêng, họ còn muốn độc quyền là đấng ban phát ân huệ từ số tiền ít ỏi cuối cùng mới đến được tay người dân.

Thứ hai, họ không muốn mất mặt vì đã bắt cóc và sau đó hành quyết các nhân viên nhân đạo, đặc biệt là một nữ bác sĩ.

 

Và thứ ba, họ không muốn lộ ra sự thật là đã ép buộc các nhà truyền giáo phải tiếp tay trong chiến tranh, kể cả việc chữa trị cho các cán binh Việt Công bị thương. Theo như tôi biết hài cốt của ba nhà truyền giáo chưa bao giờ được tìm thấy.

***

bottom of page